3

 

Lần đầu gặp mặt là trong yến hội ngắm hoa ở trong cung. Khi đó ta chỉ mới mười lăm tuổi, đứng bên hành lang thì trông thấy Kỷ Lăng.

 

Thiếu niên mười sáu tuổi ngồi trên tảng giả sơn thấp, một chân co lên đầu gối, chân kia buông thõng, tay chống ra sau nâng người, ngẩng đầu nhìn chiếc đèn lưu ly treo dưới mái hiên.

 

Bốn bề tối om. Ánh nến màu vàng trong chiếc đèn lưu ly được chụp bằng lớp hoa văn mẫu đơn dát vàng hắt lên gương mặt thanh tú như ngọc của chàng. Có lẽ nghe thấy tiếng động, thiếu niên cúi đầu nhìn xuống từ trên cao, đôi mắt phượng ánh lên nét sắc sảo: “Ngươi nhìn ta làm gì?”

 

Giọng nói trong trẻo lạnh lùng, mang theo ba phần kiêu ngạo.

 

Gió đêm cuốn theo mùi hoa nhè nhẹ lướt qua, làm tà tay áo rộng của thiếu niên khẽ tung bay. Tà áo màu nguyệt bạch cũng lay động theo làn gió.

 

Ta nhớ rất rõ, ngay khoảnh khắc ấy, tim ta cũng khẽ lay động theo.

 

Khó khăn nuốt xuống ngụm nước bọt, ta mạnh miệng đáp: “Ngươi không nhìn ta, sao biết ta đang nhìn ngươi?”

 

Đều là người kiêu ngạo, sao chịu để mình chịu thiệt. Thế là ta và Kỷ Lăng mười sáu tuổi, một người ngồi trên giả sơn, một người đứng dưới, lời qua tiếng lại tranh cãi không ngớt.

 

Nói ra thì buồn cười, một kẻ như ta chẳng thuộc nổi thơ văn, vậy mà đến giờ vẫn nhớ rõ từng câu từng chữ trong cuộc đấu khẩu trẻ con hôm đó.

 

Và cũng vì thế, ta nhớ mãi câu cuối cùng Kỷ Lăng hừ lạnh buông ra — không có chút dáng vẻ nào của một tiểu thư khuê các, ai cưới ngươi chắc chắn ngày nào cũng cãi nhau, gia đình chẳng yên ổn.

 

Chàng đã nói sai rồi.

 

Cưới ta nửa năm nay, chàng gần như chưa từng nói chuyện với ta, lấy đâu ra cãi nhau mỗi ngày?

 

Nhưng chính vì cuộc cãi vã chẳng đâu vào đâu ấy, giữa ta và chàng xem như kết oán. Từ đó về sau, trong mỗi lần thi văn hàng tháng, chàng – một người con nhà võ – lại lần nào cũng tham gia, chỉ để bắt bẻ ta.

 

Đúng là người đàn ông nhỏ mọn đến cực điểm.

 

Khi đó ta còn ngây thơ nghĩ rằng, có lẽ chàng đang dùng cách đặc biệt để thu hút sự chú ý của ta. Mãi cho đến khi ta phát hiện — ánh mắt chàng dành cho người con gái khác lại dịu dàng đến nhường nào.

 

Lâm Dao là bạn đọc cùng ta. Trong số tiểu thư con nhà danh giá, nàng không phải xuất thân tốt nhất, nhưng điều đó không ngăn được tình bạn giữa chúng ta. Bởi vì nàng thật sự là một người dịu dàng, còn ta thô lỗ thế này, đứng trước nàng cũng không nỡ lớn tiếng.

 

Thế nên, ánh mắt Kỷ Lăng cứ dán lấy nàng, thậm chí nhiều lần vì mải ngắm nàng mà quên cả chuyện tranh cãi với ta, ta thật ra cũng có thể hiểu được.

 

Nhưng cái gọi là nhân thế, đáng sợ nhất và phổ biến nhất, chính là hai chữ “vô thường”.

 

Chỉ trong hai năm ngắn ngủi, lão tướng quân Kỷ và trưởng tử nhà họ Kỷ đều tử trận nơi sa trường.

 

Chớp mắt một cái, Kỷ Lăng từ một thiếu gia ngỗ nghịch của kinh thành trở thành độc đinh nhà họ Kỷ. Đáng sợ hơn, chàng lại nhất quyết muốn ra chiến trường.

 

Lúc đó hoàng đệ ta đã đăng cơ, còn ta cũng đã là trưởng công chúa được người người kính ngưỡng. Nghe được tin, ta vội chạy đến điện, chưa kịp thở đã hạ lệnh: “Không cho phép Kỷ Lăng ra chiến trường!”

 

Hoàng đệ ta mỉm cười nhìn ta, hỏi một câu: “Tại sao?”

 

Bởi vì ta không nỡ. Ta không nỡ để chàng phải chịu khổ nơi biên cương, không nỡ để chàng mười tám tuổi đã phải gánh cả dòng họ Kỷ trên vai…

 

Nhưng những lời đó, ta không nói ra được, dù sao cũng là một cô gái nhỏ, mặt mũi còn mỏng lắm.

 

Vì thế, ta cứng ngắc nói ra một câu ngụy biện: “Ta muốn chàng ở trong cung cùng ta giải buồn!”

 

Không phải vậy, ta không định nói câu ấy!

 

Ta bừng tỉnh khỏi cơn mơ, lưng ướt đẫm mồ hôi, gió thổi qua khiến tim cũng lạnh buốt.

 

Ta vẫn còn nhớ rất rõ — sau khi câu nói kia thốt ra, Kỷ Lăng bước ra từ sau bình phong, sắc mặt u ám, như bị sỉ nhục nặng nề.

 

Ánh mắt lạnh lẽo ấy liếc qua ta một cái: “Trưởng công chúa coi ta như món đồ giải sầu, ta thì thà ra chiến trường, lấy cái xác bọc da ngựa mà về.”

 

Phản ứng đầu tiên của ta là không muốn để chàng nói ra lời xui xẻo ấy, sau đó mới nhận ra, chàng đã thật sự nổi giận.

 

Chỉ vì phút do dự ấy, ta đã quên mất phải giải thích.

 

Đến khi Kỷ Lăng vung tay áo bỏ đi, ta mới sực tỉnh, muốn biện minh: “Ta không cố ý mà.”

 

Hoàng đệ không hiểu sao lại thở dài: “Hoàng tỷ, trẫm đã đồng ý rồi. Quân đội họ Kỷ không thể không có người dẫn dắt.”

 

Phải rồi, nhà họ Kỷ toàn là liệt sĩ, trong huyết quản chảy là dòng máu chiến binh. Ta không khuyên được Kỷ Lăng, chỉ có thể khiến chàng giận mà thôi.

 

Ta ngồi một mình trên giường, lặng nghe tiếng gió thổi ngoài cửa sổ.

 

Sau khi Kỷ Lăng đi, ta dốc hết tâm trí tìm cách thu thập tin tức nơi biên ải, mong rằng có thể nghe được vài lời nhắc đến thiếu niên mà ta thầm thương.

 

Những ngày tháng khổ sở ấy kéo dài suốt hai tháng, đến khi ta mừng rỡ vì nhặt được vài tin tức ít ỏi, thì Lâm Dao mặt đầy bối rối đến tìm ta: “Trưởng công chúa, phải làm sao bây giờ?”

 

Ta nhìn phong thư màu sẫm mà nàng đưa ra, chữ viết ngay ngắn đẹp đẽ, chỉ cần thấy chữ ký cuối thư, mắt ta đã đỏ hoe — Kỷ Lăng, nhị công tử nhà họ Kỷ.

 

Đó là thư Kỷ Lăng gửi cho Lâm Dao.

 

Khi ta như kẻ ngốc cẩn thận dò từng tin tức, thì chàng đã viết một lá thư gửi cho Lâm Dao.

 

Lâm Dao thở dài, hỏi ta: “Tấm chân tình này, ta không dám nhận. Trưởng công chúa, người nghĩ cách giúp ta từ chối đi.”

 

Ta cầm lấy lá thư, như đang nắm cả tấm chân tình nồng cháy của thiếu niên — nóng rát đến mức đầu ngón tay đau nhức, tim cũng nhói lên.

 

Rõ ràng ta biết, ánh mắt dịu dàng của Kỷ Lăng không thuộc về ta, vậy mà vẫn nắm chặt không buông.

 

Từng chữ trong thư đều được viết vô cùng trân trọng. Chàng kể về tình hình hiện tại, kể về hoài bão của mình. Câu cuối cùng — nếu nàng không chê phiền, có thể để ta gửi một bức thư mỗi tháng? Ta không muốn cắt đứt mối nhớ thương dành cho kinh thành.

 

Từng lời từng chữ đều đầy cẩn trọng. Ta chưa từng thấy một Kỷ Lăng rụt rè đến vậy. Có lẽ, khi đứng trước người mình thích, ai cũng trở nên nhút nhát như thế.

 

Đêm đó, ta ôm lấy lá thư, nhìn chằm chằm vào ngọn nến đang nhảy múa suốt cả đêm không ngủ. Nỗi đau như bị khoét tim trong truyện, ta rốt cuộc cũng cảm nhận được.

 

Nhưng ta không hề nghĩ đến chuyện phải giở thủ đoạn giành lại Kỷ Lăng, cũng không nghĩ nên thuận theo mà dập tắt tình cảm của chàng. Ta chỉ nghĩ, nên hồi âm thế nào.

 

Ta không nỡ để Kỷ Lăng đau lòng, không nỡ để chàng giống như ta, âm thầm thương một người mà chẳng được đáp lại.

 

Vì thế, khi trời vừa hửng sáng, ta mài mực, cầm lấy tay trái, nguệch ngoạc viết một lá thư bằng nét chữ giả vờ là của Lâm Dao. Trong thư chỉ nói do sơ ý bị thương tay phải, nên tạm dùng tay trái để viết.

 

Nghĩ đến đây, ta giơ tay trái lên, mượn ánh trăng lờ mờ chiếu vào, xoa nhẹ nơi khóe mắt.

 

Ta dùng tay trái viết thư cho Kỷ Lăng suốt bốn năm. Cuối cùng luyện ra được nét chữ tiểu khải mềm mại tinh tế.

 

Người ta nói “thấy chữ như thấy người”. Ta nhìn chàng từ một tân binh bướng bỉnh nơi doanh trại trưởng thành thành một vị tướng uy nghiêm. Chàng là thiếu niên kiêu hãnh mà ta tận mắt chứng kiến trưởng thành.

 

Hôn ước giữa ta và Trương Tử Đống bị ta khất lần khất lượt. Để tránh sự thúc ép của Trương Thủ Phụ lão hồ ly, ta thậm chí còn giả bệnh. Và chính trong một lần Trương Tử Đống vào cung thăm ta, hắn đã bắt gặp Lâm Dao vừa bước ra từ cung của ta.

 

Ta không may mắn như vậy, chẳng biết yêu thương thật sự là cảm giác thế nào.

 

Khi hai người họ quỳ trước mặt ta thừa nhận tư tình, phản ứng đầu tiên của ta là — nếu Kỷ Lăng biết chuyện này, chắc sẽ đau lòng lắm.

 

Nghĩ đến thiếu niên ấy có thể thất vọng, mắt có thể đỏ hoe, tim ta lại đau nhói.

 

Ta không nỡ để chàng đau, cũng không nỡ làm kẻ phá vỡ lương duyên… Cuối cùng, người đau chỉ còn lại ta.

 

Ta hất tay áo, trong ánh sáng hửng trắng ngoài trời, bắt đầu nghĩ xem bữa sáng ngày mai nên ăn gì.

 

4

 

Ta không ngờ Kỷ Lăng sẽ đến dùng bữa sáng cùng ta. Áo chàng dính bụi, vẻ mặt mờ mịt khó dò. Nhìn dáng vẻ ấy, lại giống ta – người đã thức trắng cả đêm – cả hai đều phờ phạc.

 

Giọng Kỷ Lăng khàn khàn, nhưng lại mang theo một nét dịu dàng mà ta chưa từng nghe thấy: “Kinh thành mới mở một tửu lâu tên Túy Hương Lâu, công chúa… phu nhân có muốn thử không?”

 

Ta giật nảy mình, chiếc bánh trong tay rơi xuống đất. Chàng chưa từng gọi ta là “phu nhân”, hôm nay là sao vậy?

 

Khi đang bối rối nghi ngờ, ta bắt gặp trong mắt chàng một tia lạnh lẽo.

 

Nhưng ta không nỡ vạch trần chút dịu dàng mong manh ấy, bèn nở nụ cười đáp lại: “Được.”

 

Ta không biết đêm qua chàng đã trải qua điều gì, cũng không biết vì sao hôm nay chàng lại dịu giọng xuất hiện trước mặt ta.

 

Nhưng chỉ cần chàng nói, ta đều có thể gật đầu mà đáp: “Được.”

 

Món ăn ở Túy Hương Lâu quả thực rất ngon, bánh quế hoa ngọt lịm, ngọt đến tận đáy lòng ta.

 

Có lẽ là do uống quá nhiều rượu nếp, đầu óc ta hơi choáng váng, ngay cả hình bóng Kỷ Lăng trước mặt cũng trở nên mơ hồ.

 

Rượu khiến người nhát gan thêm can đảm, ta lười biếng khép mắt lại, giả vờ vô tình ngả người về phía Kỷ Lăng. Trong lòng đã chuẩn bị sẵn sàng, nếu chàng không đỡ ta, thì ta sẽ ngã xuống ghế.

 

Không ngờ lại rơi vào một vòng tay ấm áp. Kỷ Lăng ôm lấy ta, dù động tác cứng nhắc, nhưng cơ thể lại rất ấm.

 

Ta mơ mơ màng màng nép vào lòng chàng, ánh mắt lơ đãng nhìn chiếc chén ngọc trắng trên bàn.

 

Chén thật đẹp, bình rượu cũng đẹp… mọi thứ ở đây đều khiến ta vui, bởi vì giờ phút này ta đang nằm trong vòng tay thiếu niên mà ta yêu nhất.

 

Khi ta đang thầm nghĩ, sau này sẽ mua lại gian phòng này, thì Kỷ Lăng bất ngờ cúi đầu ghé sát bên tai, hỏi một câu: “Năm đó, Lâm Dao chết thế nào?”

 

Giọng nói trầm thấp, thậm chí còn mang theo vẻ nghiến răng nghiến lợi.

 

Tất cả niềm vui trong lòng ta phút chốc tan biến.

 

Ta giả vờ không nghe rõ, nhắm chặt mắt lại. Mau ngủ đi, ngủ rồi sẽ ổn thôi. Cho dù tỉnh dậy có ra sao, ít nhất đêm nay ta vẫn có thể cất giữ làm kỷ niệm.

 

Kỷ Lăng hoàn toàn không biết đến những suy nghĩ đáng thương của ta, dù sao mục đích của chàng là chuốc cho ta say. Trong giọng nói còn mang theo sự dò xét: “Một năm trước Lâm Dao bệnh nặng, nàng có đến thăm mấy lần. Nửa tháng trước khi ta về, nàng… nàng đã qua đời rồi. Là nàng làm phải không?”

 

Là nàng làm phải không?

 

Sáu chữ này còn đáng sợ hơn tất cả những lời chất vấn ta từng nghe. Ta từng nghĩ, đêm ấy khi dùng danh nghĩa Lâm Dao để viết thư hồi đáp cho chàng, ta đã nếm đủ nỗi đau của tình yêu rồi. Không ngờ vẫn còn cay đắng hơn.

 

Trưởng công chúa Thanh Dương không nên sống thành bộ dạng này.

 

Ta đoán chàng thực ra đã sớm nghi ngờ, cố gắng giả vờ tử tế với ta bấy lâu, cũng chỉ là để điều tra rõ nguyên nhân cái chết của Lâm Dao – người con gái dòng dõi thứ của nhà họ Lâm.

 

Ta biết chuyện giả chết của Lâm Dao do ta sắp xếp không chu toàn, nhưng ta thật sự không còn lựa chọn nào khác.

 

Khi đó Kỷ Lăng viết trong thư rằng còn một tháng nữa sẽ về, thậm chí còn vui vẻ chuẩn bị sính lễ đến nhà họ Lâm cầu hôn. Ta buộc phải đưa “ngày chết” của Lâm Dao sớm hơn.

 

Trước khi đi, Trương Tử Đống và Lâm Dao cười tươi cảm ơn ta. Ta nhìn chằm chằm vào gương mặt nàng hồi lâu. Có lẽ, phụ nữ khi được yêu là lúc đẹp nhất. Ta thật lòng ngưỡng mộ.

 

Còn ta, đến một cái ôm cũng là giả.

 

Ta bật cười khẽ, chống người ngồi dậy, loạng choạng ngồi đối diện với Kỷ Lăng, mượn chút men say, đem những lời không dám nói lâu nay thổ lộ hết: “Kỷ Lăng, chàng thích Lâm Dao đúng không?”

 

Có lẽ bất ngờ vì ta chưa say, chàng sững người một lát rồi lạnh lùng đáp một tiếng: “Phải.”

 

Ta không hiểu tại sao mình lại phải hỏi câu ấy, tại sao lại tự tay nhổ chiếc gai mắc trong tim, đưa cho Kỷ Lăng, để chàng có cơ hội làm tổn thương ta thêm lần nữa.

 

Ta thật ngốc. Ngốc đến đáng thương.

 

Thứ làm mờ mắt ta không chỉ là hơi men, mà còn là dòng lệ nóng. Ta trầm mặc một lúc, rồi lắc đầu nhìn chàng: “Lâm Dao chết, không phải do ta.”

 

Cuối cùng, ta vẫn lừa chàng. Lâm Dao đã cùng Trương Tử Đống cao chạy xa bay. Dù cho Kỷ Lăng có tìm được họ, thì cũng chỉ thêm một kẻ đau lòng mà thôi.

 

Kỷ Lăng sa sầm nét mặt: “Trưởng công chúa Thanh Dương, ta ghét nhất là bị lừa.”

 

Ta biết, cho nên chuyện ta dùng tay trái luyện chữ giống Lâm Dao để viết thư cho chàng, sẽ mãi mãi chôn trong bụng, chết cũng không nói ra.

 

Ta đã đánh giá thấp sự cố chấp của Kỷ Lăng. Ba ngày sau, khắp phố phường rộ lên tin đồn giữa chàng và đại tiểu thư nhà họ Lâm – Lâm Giao, nói đâu ra đấy. Còn ta, nhận được một tờ thư hòa ly.

 

Thật nực cười, không cưới được Lâm Dao thì chàng cưới Lâm Giao – em gái nàng. Dù là phương án thay thế, chàng cũng chưa từng nghĩ đến ta.

 

Ta từng vùng vẫy, nhưng bị đám thị vệ của Kỷ Lăng nhốt lại trong biệt viện, một bước cũng không ra nổi.

 

Giờ chàng đã thành danh, đến cả trưởng công chúa mà cũng dám giam giữ, thật giỏi quá rồi.

 

Hôn sự chắc đã định, khắp nơi giăng đèn kết lụa đỏ, thật náo nhiệt. Ta nhìn mấy chiếc lồng đèn đỏ rực, thẫn thờ nghĩ: chắc lại có chuyện mới để dân gian đồn thổi. Nào là công chúa thất sủng, nào là Kỷ Lăng và Lâm Giao là đôi lứa xứng đôi…

 

Không rõ tâm trạng là gì, ta nhìn mấy tên thị vệ rút kiếm cản mình, ngồi xổm trước cổng viện, cười cười rồi bật khóc.