8

 

“Nếu ông là đàn ông, thì chuyện này đến đây là kết thúc.”

 

Ba tôi dập tắt điếu thuốc, lạnh nhạt mở miệng: “Còn nếu là kẻ nhu nhược, thì cứ để mặc vợ ông tiếp tục làm loạn ở đây, tôi không có ý kiến.”

 

Khí thế bức người lan tỏa khắp phòng khách. Mẹ tôi ngồi cạnh ba, cũng đã bình tĩnh lại đôi chút, nhưng trên mặt hai người đều là nụ cười khinh bỉ y hệt nhau, nhìn thẳng vào đám người phía trước.

 

Số lượng không nhiều, nhưng không hề sợ hãi.

 

Ba của Trương Trí Viễn – người được đẩy ra làm đại diện – rít liền hai hơi thuốc, lúc mở miệng lại, giọng đã khàn đặc.

 

“Tôi thật lòng xem Tiểu Ninh như con gái mình, cũng thật lòng mong nó và Trí Viễn sống tốt với nhau. Chuyện hôm qua tôi chứng kiến từ đầu đến cuối, lỗi là ở nhà chúng tôi, chuyện này không còn gì để nói nữa.”

 

“Lão Trương, ông đang nói gì thế?!”

 

Thấy ông ta xin lỗi, mẹ Trương Trí Viễn lập tức nổi giận, nhướng mày trợn mắt: “Nhà mình có gì sai hả?!”

 

“Câm miệng!”

 

Thấy bà ta còn muốn gây chuyện, ba Trương Trí Viễn quát lên: “Là lỗi của tôi nuông chiều bà quá, bà nhìn xem mình làm ra cái trò hề gì đi!”

 

“Tôi…”

 

Bà ta lập tức im re, co rúm người ngồi một góc không dám ho he.

 

“Thưa bà thông gia, tôi cũng mong chị rộng lòng tha thứ cho bà ấy.”

 

Lúc này, ba Trương Trí Viễn dịu giọng xuống:

 

“Tôi lớn hơn mẹ nó 7 tuổi, ngày thường vẫn luôn nhường nhịn, chiều chuộng nên mới sinh hư. Hôm qua bà ấy mặc váy cưới, thực sự chỉ là muốn ăn mặc đẹp một chút, không có ý gì khác.”

 

“Bà ấy cố chấp, làm việc không biết nghĩ xa, mong mọi người đừng trách bà ấy nữa.”

 

Càng nói, thái độ ông ta càng thấp, cuối cùng gần như đặt mình xuống tận đáy, hạ mình chưa từng có.

 

Khiến ba tôi cũng không tiện nói thêm gì nữa, vừa định mở miệng khuyên ông ta thôi đừng tự trách.

 

Mẹ tôi cũng bắt đầu thấy không thoải mái, cảm giác nếu cứ mắng tiếp thì thành vô lý.

 

Chỉ có tôi, lại không nghĩ như vậy. Nhìn gương mặt giống Trương Trí Viễn đến tám phần kia, tôi khẽ cười.

 

“Chú à, nếu Trương Trí Viễn có được ba phần phong độ của chú, có khi con đã ngốc nghếch mà gả đi rồi.”

 

“Nhưng mà, sau tất cả, giờ chú mới đứng ra giải thích thì có ý nghĩa gì không?”

 

“Làm gì có cái gọi là hiểu lầm. Con không tin có người phụ nữ ngoài bốn mươi, năm mươi tuổi, đơn thuần vì muốn đẹp mà lại mặc váy cưới giống hệt con dâu trong ngày cưới.”

 

“Càng không tin nổi một người đàn ông gánh vác gia đình, lại không biết vợ mình mặc váy cưới trong đám cưới con trai là đúng hay sai.”

 

“Chẳng lẽ coi tụi con là mù hết chắc?”

 

Tôi khẽ cười, chủ động đưa lại chiếc thẻ đựng sính lễ cho ông ta:

 

“Ra oai phủ đầu thì ra oai phủ đầu, tôi không nhận là được rồi, việc gì phải tự vả vào mặt mình? Tôi đâu có quan tâm.”

 

Lời vừa dứt, sắc mặt ba Trương Trí Viễn lập tức tái xanh.

 

Tay cầm điếu thuốc khẽ run, tàn thuốc rơi xuống quần làm cháy một lỗ, ông ta hốt hoảng đứng bật dậy, chân tay luống cuống.

 

Ba mẹ tôi lúc này cũng hiểu ra mọi chuyện, liền lập tức đứng về phía tôi, lễ phép mà dứt khoát “mời” cả nhà họ ra khỏi cửa.

 

Chuyện này đến đây, theo lý mà nói cũng coi như kết thúc.

 

Đôi bên hủy hôn, sau này ai tìm nhà nấy, chẳng cần phải làm quá, dù gì cũng cùng thành phố, ai biết trước được ngày nào đó lại vô tình chạm mặt.

 

Nhưng Trương Trí Viễn lại không nghĩ thế.

 

Hắn ta cảm thấy mình bị oan ức, bị mất mặt, là cả nhà hắn phải chịu nhục.

 

Thế nên hắn nhất quyết phải khiến tất cả mọi người đổ lỗi lên đầu tôi, như vậy mới thấy hả lòng.

 

Và rồi, một bài đăng ẩn danh xuất hiện trên mạng, với tiêu đề: “Không hài lòng vì mẹ chồng ăn mặc nổi bật hơn mình, cô gái ở thành phố XX đánh nhau ngay trong lễ cưới”.

 

Cả bài viết giấu nhẹm mọi hành vi quá quắt của bên nhà hắn, chỉ chăm chăm phác họa hình ảnh tôi là một người con dâu cay nghiệt, đanh đá, khó ưa.

 

Tệ hơn nữa, trong bài còn đăng cả địa chỉ nhà tôi, ảnh chụp ba người nhà tôi – toàn bộ đều là thật.

 

Còn nhà hắn thì hoàn toàn ẩn mình sau cơn bão dư luận.

 

Chỉ còn tôi và ba mẹ trở thành tâm điểm của cơn “bạo lực mạng” đột ngột ập đến.

 

Tôi giận đến phát điên. Hộp thư cá nhân bị spam đến phát nổ, vô số người “tò mò” tìm đến chỉ để xem thử tôi là loại phụ nữ thế nào mà “láo” đến vậy.

 

Thậm chí có không ít “anh hùng bàn phím” dùng đủ loại lời lẽ thô tục để xúc phạm ba mẹ tôi, còn lấy ảnh tôi ghép thành sticker chế nhục nhã, đốt nhang làm trò cười.

 

Chúng cười nhạo tôi đã hai mươi bảy, hai mươi tám tuổi rồi mà còn mặt dày làm ầm lên như thế.

 

Những ngày đó, tôi nhốt mình trong phòng suy nghĩ rất nhiều, thậm chí từng tự hỏi… có phải tôi đáng chết, nên mới khiến ba mẹ mình phải chịu nhục như vậy?

 

Nhưng tôi nghĩ đi nghĩ lại, vẫn không thấy mình sai.

 

Có những người, khi đã khốn nạn lên rồi… thì chẳng cần phân biệt đúng sai gì cả.

 

9

 

Tôi đã báo cảnh sát.

 

Giữa ánh mắt chỉ trỏ soi mói của những người xung quanh, tôi bước vào đồn công an, kể lại toàn bộ những gì tôi và gia đình phải chịu đựng suốt mấy ngày qua.

 

Các đồng chí công an an ủi tôi, nói rằng chứng cứ tôi cung cấp rất rõ ràng, họ sẽ nhanh chóng điều tra làm rõ, trả lại công bằng cho tôi.

 

Thế là tôi về nhà chờ hai ngày. Trước khi nhận được điện thoại từ phía công an, tôi đã sớm nhận được lời đe dọa từ Trương Trí Viễn.

 

Hắn hỏi có phải tôi đã báo công an không, rồi đe dọa nếu vì tôi mà hắn mất việc, hắn nhất định sẽ giết tôi.

 

Tôi bình tĩnh ghi âm toàn bộ cuộc gọi, rồi thản nhiên đáp lại rằng: vu khống và tiết lộ thông tin cá nhân của người khác là hành vi phạm pháp, cứ chờ đợi lệnh triệu tập từ công an đi.

 

Hắn chửi mấy câu tục tĩu rồi dọa sẽ lập tức đến nhà tìm tôi tính sổ.

 

Tôi không hoảng, cũng không vội. Chỉ lặng lẽ gác máy, rồi gọi 110, thuật lại hết những gì vừa xảy ra.

 

Kết quả là cảnh sát lập tức có mặt và đợi sẵn dưới lầu nhà tôi, tóm được Trương Trí Viễn.

 

Không chỉ vậy, họ còn lục được một con dao gọt trái cây trong túi áo khoác của hắn.

 

Chuyện giờ đây đã vượt xa khỏi mức độ “đe dọa” đơn thuần.

 

Khi hắn bị tạm giữ, mẹ hắn mấy lần đến tìm tôi, vừa khóc vừa cầu xin tôi rút đơn kiện, nói rằng hắn làm vậy là vì quá yêu tôi, không cam tâm từ bỏ nên mới hành động hồ đồ như thế.

 

Nói xong còn rưng rưng ngước mắt nhìn tôi, hỏi tại sao tôi lại không thấy cảm động.

 

Tôi điên rồi mới cảm động!

 

Tôi đẩy tay bà ta ra, nhanh chóng chui vào nhà, mặc kệ bà ta ngoài cửa vừa gào khóc vừa chửi mắng.

 

Bị quấy rối quá mức, tôi tiếp tục báo cảnh sát, lần này là kiện bà ta vì tội quấy nhiễu.

 

Không lâu sau, người đứng ngoài cửa gào hét đã đổi từ mẹ hắn thành ba hắn.

 

Nhưng người này thì cao tay hơn nhiều, mang theo đủ thứ lễ vật lớn nhỏ, lịch sự đứng ở cửa nhà tôi, cúi đầu cúi người, vô cùng nhã nhặn.

 

Tôi đứng sau cánh cửa, cảnh giác nhìn ông ta qua mắt mèo, thầm thấy may mắn vì đã sớm thuyết phục ba mẹ đi du lịch tỉnh ngoài.

 

Nếu ba mẹ còn ở nhà, chỉ riêng cái lễ nghi này của ông ta thôi, chắc chắn cũng khó mà cứng rắn đuổi người.

 

Nhưng tôi thì khác — tôi dám vô tư để ông ta đứng ngoài đó.

 

Thậm chí tôi còn lấy lý do hiện tại đang sống một mình để từ chối cho ông ta vào nhà.

 

Sắc mặt ba Trương Trí Viễn thoáng chốc trở nên méo mó, nhưng ông ta vẫn cố giữ bình tĩnh, giữ thái độ nhã nhặn và chân thành nói rõ mục đích đến đây.

 

Sau đó không cho tôi cơ hội từ chối, ông ta đặt quà ngay trước cửa rồi quay lưng rời đi.

 

Tôi cười khẩy — tôi chẳng quan tâm.

 

Ông dám đặt, tôi dám mặc kệ. Trước cửa có camera, ai muốn lấy thì cứ lấy, liên quan gì đến tôi?

 

Vậy là mọi chuyện rơi vào bế tắc.

 

Trương Trí Viễn ở đồn công an gào trời gọi đất cũng vô ích, còn tôi thì kiên quyết không chấp nhận hòa giải riêng, nhất định phải đòi lại công bằng.

 

Tôi yêu cầu hắn phải đích thân đăng bài xin lỗi công khai có tên thật lên mạng, nếu không thì chuyện này chưa xong!

 

Ban đầu, hắn rất cứng đầu, sống chết không chịu, còn cười nhạo tôi kiểu gì cũng chẳng ai thèm cưới, sớm muộn cũng chết già một mình.

 

Tôi chỉ cười nhạt, quay đầu gọi cảnh sát: “Anh ta đang lăng mạ tôi đấy.”

 

Và thế là hắn lại phải ngồi thêm vài ngày.

 

Dưới sức ép kiên quyết của tôi, mọi chuyện được tiến hành đúng quy trình, phía công an đăng thông báo chính thức lên mạng, công khai hành vi phạm pháp và mức xử lý của Trương Trí Viễn.

 

Bản thân hắn cũng bị tôi ép phải cầm tờ giấy xin lỗi, gương mặt miễn cưỡng, quay video nhận lỗi và đăng tải lên các nền tảng mạng xã hội.

 

Hộp thư và tin nhắn riêng của tôi cuối cùng cũng yên ổn lại phần nào.

 

Dù vẫn còn vài tên “anh hùng bàn phím” nhảy nhót chửi bới, nhưng tôi đã không còn bận tâm nữa.

 

Tôi nhanh chóng đổi việc, đón ba mẹ đến sống cùng, rời xa vùng đất cũ, dùng những điều mới mẻ và tích cực lấp đầy những tổn thương mà mạng xã hội đã từng gây ra cho gia đình tôi.

 

Ba người nhà chúng tôi, sống vui vẻ và hạnh phúc.

 

Còn về Trương Trí Viễn sau khi ra tù thì sao ấy à…

 

Hừm.

 

He he.