1

 

Phu quân ta – Phí Dục – có nuôi một người thiếp, ở tại ngõ Hòe Hoa. Mỗi ngày sau khi tan triều, chàng đều đến thăm nàng ta.

 

Ta đem chuyện này kể cho mấy vị phu nhân quen thân.

 

Các nàng chỉ cười, đưa tay che miệng:

 

“Trinh Nương, cô ghen quá rồi.”

 

“Chỉ là một thiếp bên ngoài thôi mà, chẳng qua là trò tiêu khiển của nam nhân.”

 

Phu nhân họ Lý liền bày kế:

 

“Chuyện này, cô cứ nói với lão thái thái nhà cô.”

 

“Sau đó đường hoàng rước nàng ta vào cửa làm thiếp.”

 

“Một khi đã chính danh bước vào phủ, thì xử trí ra sao chẳng phải tùy vào cô sao?”

 

Đây là thủ đoạn quen thuộc mà các chính thất trong gia tộc quyền quý thường dùng.

 

Nam nhân mà, mấy ai giữ trọn một lòng?

 

Nhưng ta lại thấy như có khối đá chắn ngang lồng ngực – không sao nuốt trôi được.

 

Ta không học được sự điềm nhiên của các nàng ấy, cũng không thể giả vờ như không hay biết chuyện phu quân nuôi thiếp bên ngoài.

 

Khi thành thân, chàng đã từng nắm tay ta thề:

 

“Một đời một kiếp, chỉ có đôi ta.”

 

Giờ nghĩ lại, hóa ra chỉ là lời hứa giữa cơn mộng đẹp.

 

Thấy ta vì chuyện đó mà buồn bã không nguôi, phu nhân họ Hứa – vợ của vị quan Hàn Lâm – vừa phe phẩy quạt vừa khuyên:

 

“Sao không về hỏi mẹ cô thử xem?”

 

“Bà ấy chẳng phải là mẫu mực của các vị chủ mẫu trong thế gia đó sao?”

 

2

 

Từ nhỏ ta lớn lên trong tay tổ mẫu, nên tình cảm với mẹ ruột không mấy gần gũi.

 

Nhưng lần này đã quyết quay về, ta cũng đành cắn răng đến thỉnh an.

 

Mẹ khi ấy đang vội vã sửa soạn để ra ngoài:

 

“Nếu trễ thì không kịp giành nén nhang đầu ở chùa Tế Nguyên đâu.”

 

Không để ta từ chối, bà kéo ta lên xe ngựa đi cùng.

 

Đi được nửa đường, xe ngựa bỗng lắc mạnh. Bên ngoài vang lên tiếng phu xe hoảng hốt:

 

“Phu nhân! Không ổn rồi! Có cướp chặn đường!”

 

Ta sợ hãi, siết chặt lấy tay mẹ.

 

Mẹ chỉ nhẹ giọng an ủi, tay vuốt tóc ta:

 

“Trinh Nương, đừng sợ. Con cứ ngồi yên trong xe, để mẹ xuống xem sao.”

 

Lòng ta càng lúc càng bất an. Cuối cùng, không nén nổi tò mò, ta nhẹ tay vén rèm lên nhìn.

 

Cảnh tượng bên ngoài khiến ta chết lặng.

 

Mẫu thân ta – người mà trong mắt ta bao năm nay vẫn là đoan trang, hiền thục, là chuẩn mực khuê phòng – lúc này lại đang tung hoành như một võ tướng.

 

Một quyền đánh ngã một tên cướp. Chẳng mấy chốc, cả bọn đều nằm rên rỉ dưới đất, không tên nào dám ngẩng đầu.

 

Mẹ ta thản nhiên lấy dây thừng, thoăn thoắt trói gọn từng tên còn sống sót. Bà túm một tên như xách bao gạo, ném cho phu xe:

 

“Đưa đến nha môn thẩm tra.”

 

“Xem là ai to gan dám chặn xe của ta – Tạ Khi Sương.”

 

“Tiện thể bắt chúng đền tiền hương đầu cho ta luôn.”

 

Ta trố mắt đứng nhìn, hoàn toàn không tin nổi đây là mẫu thân của mình.

 

Trời ơi… mẹ ta chẳng những đánh cướp giỏi, mà còn đòi tiền nhang điêu luyện…

 

So với bọn cướp, có khi còn thuần thục hơn vài phần!

 

3
Trên đường về, ta cứ ngơ ngẩn như kẻ mất hồn.
Mẹ tưởng ta bị bọn cướp dọa sợ, nào biết ta hoàn toàn là bị chính bà làm cho chấn động.

 

Từ nhỏ đến lớn, ta gặp mẹ nhiều nhất cũng chỉ vào mùng Một và ngày Rằm khi đến thỉnh an.
Trong ký ức của ta, mẹ lúc nào cũng ngồi ngay ngắn, nghiêm nghị ít lời,
đón nhận từng lượt tỉ muội thứ xuất đến hành lễ chào hỏi.

 

Còn hành động như hôm nay,
nếu không tận mắt chứng kiến,
thật sự ta có nằm mơ cũng chẳng dám tưởng tượng.

 

— “Đừng sợ, bọn chúng đã bị trừng trị rồi.”
Mẹ dịu dàng an ủi ta.
Ta lắc đầu.

 

Hai mẹ con nhìn nhau không nói.
Một lúc sau, ta mới lấy hết can đảm hỏi:
— “Mẹ, nếu cha mà nuôi thiếp bên ngoài… mẹ sẽ làm gì?”

 

Mẹ thản nhiên đáp:
— “Thì cứ nuôi thôi, nhà ta đâu phải nuôi không nổi.”

 

Ta nuốt một ngụm nước bọt, dè dặt hỏi tiếp:
— “Nếu là… phu quân của con thì sao?”

 

— “Nó đừng có mà mơ!”
Mẹ nhướng mày, giọng dữ dằn:
— “Cái thằng ranh đó mà dám học đòi nuôi thiếp…”
— “Ta là người đầu tiên vặn cổ nó cho mà coi!”

 

4
Xem ra chuyện Phí Dục nuôi thiếp, tìm mẹ ta cũng chẳng giải quyết được gì.
Huống hồ… mẹ ta dường như đã không còn là người trong ký ức của ta nữa.
Là do ta hiểu về bà quá ít ỏi chăng?

 

Rảnh rỗi không có việc gì làm, ta tìm bà vú Triệu, kể lại tường tận chuyện xảy ra hôm nay.
Bà là nha hoàn hồi môn của mẹ, cũng là vú nuôi của ta.

 

— “Mẹ ta… biết võ công sao?”
Bà vú Triệu mặt đầy tự hào:
— “Cũng chẳng phải bí mật gì đâu, võ nghệ của phu nhân là học từ ông ngoại con khi còn nhỏ đấy.”
— “Ngay cả lão gia cũng từng khen phu nhân là ‘thiên tư tuyệt luân’, ‘cốt cách phi phàm’, là hạt giống tốt để luyện võ.”

 

Bất chợt ta thấy tò mò, cứ quấn lấy bà vú hỏi không ngừng:
— “Mẹ ta lúc còn trẻ là người như thế nào?”
— “Có xinh không?”
— “Có giỏi không?”
— “Ông ngoại có thương bà không?”
— “Bà có phải học quy củ phép tắc gì không?”

 

Bà vú bị ta hỏi cho đến choáng váng, đành từ từ kể lại chuyện năm xưa về mẹ.

 

— “Lúc đó, phu nhân mới mười ba tuổi thôi.”
— “Thích cảnh anh hùng cứu mỹ nhân, từng cứu một cô gái bị ác bá ức hiếp.”
— “Phu nhân thời ấy, nổi tiếng khắp kinh thành.”
— “Là một nữ tử kỳ lạ, trượng nghĩa cứu người, chẳng sợ cường quyền.”

 

5
Có lẽ vì ban ngày nghe kể quá nhiều chuyện, nên tối đến trong mơ, ta thật sự hóa thân thành Tạ Khi Sương.

 

Ta thích cải trang thành nam nhi, ngạo nghễ đi giữa phố phường.
Điều quan trọng nhất là — thích ra tay nghĩa hiệp, cứu giúp kẻ yếu.

 

Hôm đó, chỉ nhờ sức hai người — ta và bằng hữu Lâm Như Trúc —
chúng ta đã cứu được một phụ nhân bị kẻ ác bắt nạt.

 

Người phụ nữ ấy quỳ sụp xuống đất, liên tục dập đầu cảm tạ:
— “Đa tạ hai vị ân công!”

 

Ta và Lâm Như Trúc nhìn nhau mỉm cười.

 

Nào ngờ tên ác bá kia lại là con trai của phủ Quốc công.
Khi về đến nhà, chúng ta lập tức bị một trận đòn thê thảm.

 

Thế nhưng… những ngày không bị ràng buộc bởi lễ giáo, được tự do làm điều mình muốn như vậy,
thật sự là quá đỗi tươi đẹp.

 

6
— “Phu nhân, nên dậy rồi.”
Lúc bị nha hoàn đánh thức, ta vẫn còn đang múa quyền đá cước trong mộng.
Mắt còn ngái ngủ, ta mở hé:
— “Mấy giờ rồi?”
— “Giờ Mão, một khắc rồi ạ.”
— “Phu nhân nên dậy thôi, nếu trễ e rằng lại bị lão phu nhân quở trách.”

 

Phải rồi.
Ta không phải là Tạ Khi Sương tự do phóng khoáng trong giấc mơ kia.
Ta là Vương Trinh Nương — đích trưởng tức của phủ Phí,
mỗi ngày đều phải dậy sớm phụng dưỡng mẹ chồng dùng bữa sáng.

 

Trời tờ mờ sáng, không khí vẫn còn chút lành lạnh.
Ta gặp Phí Dục đang vội vàng đi ngang hành lang.

 

Hắn chủ động cất lời:
— “Phu nhân hôm nay dậy sớm thật.”

 

Ta đã gả vào Phí phủ ba năm, mỗi ngày đều dậy sớm, hắn chưa từng thấy qua.

 

— “Phu quân hôm nay cũng sớm thật.”
— “Không biết đêm qua…”

 

Phí Dục có phần lúng túng:
— “Đêm qua ta đến chỗ một người bạn học, cùng đọc thơ luận văn, ngủ lại đó.”

 

Ta hiểu rõ trong lòng, liền nói khẽ:
— “Vậy thì… vất vả cho phu quân rồi.”

 

Hắn lại nói:
— “E rằng giờ này mẫu thân đã thức dậy, nàng vẫn nên đến đó sớm kẻo muộn.”

 

Nói xong quay lưng bỏ đi, không hề ngoái lại.

 

Nhìn vết son đỏ thẫm còn in nơi cổ áo sau gáy hắn,
ta chỉ thấy lòng lạnh như băng.

 

7
Chuyện phu quân ta nuôi thiếp rốt cuộc cũng không thể giấu được nữa, cuối cùng bị cha mẹ chồng biết.

 

— “Con có biết lời đồn bên ngoài khó nghe đến mức nào không?”
— “Nói rằng thiếu gia phủ Phí bất hòa với gia đình, bỏ ra ngoài ở riêng.”
— “Say mê nữ sắc, bao dưỡng thiếp thất.”
— “Phí Dục, ngươi giỏi lắm đấy!”

 

Phí Dục quỳ gục xuống đất, rầu rĩ nói liên tục:
— “Con không dám… Con biết lỗi rồi.”

 

Mẹ chồng trách nhẹ:
— “Chẳng qua chỉ là một nữ nhân, chọn ngày lành tháng tốt rồi nạp vào phủ là được.”
— “Ngươi cũng thật là, giấu giấu giếm giếm làm gì.”
— “Trinh Nương lại chẳng phải loại đàn bà hay ghen, không chịu được người khác.”

 

Nói xong còn liếc mắt về phía ta một cái.

 

Ta cúi đầu, giọng nghẹn lại:
— “Nếu phu quân muốn nạp thiếp, để Phí gia có người nối dõi, thiếp… cũng không có gì phản đối.”

 

Cha chồng giận đến nỗi vớ lấy chén trà bên cạnh, ném thẳng vào đầu Phí Dục.

 

Chớp mắt, máu từ mặt hắn chảy xuống ròng ròng.

 

Mẹ chồng hốt hoảng chắn trước con trai:
— “Có gì thì nói cho tử tế, ông ném hắn làm gì? Muốn giết con tôi chắc?”

 

— “Nghiệt súc, nghiệt súc!”
— “Ta hối hận vì đã sinh ra đứa con như vậy!”

 

Cha chồng giận đến mức tay run rẩy, hét to một câu như sấm nổ:
— “Các người có biết ả thiếp hắn nuôi là ai không?”
— “Là kỹ nữ ở Giáo Phường Ty!”

 

Lúc này, Phí Dục cũng không thèm giả bộ nhu nhược nữa.
Hắn ngẩng cổ phản bác:
— “Liễu thị không phải hạng nữ nhân tầm thường. Nàng đã theo con ba năm, vẫn giữ thân trong sạch.”
— “Chúng con đã thề non hẹn biển, không ai có thể chia rẽ được.”
— “Nếu mọi người không chấp nhận nàng, con cũng sẽ không quay về phủ Vĩnh Ninh này nữa!”

 

Ta định bước tới nắm lấy tay hắn, khuyên vài lời,
nhưng hắn lại không chút nể tình mà hất tay ta ra.

 

— “Ta và Liễu thị… đã có một đứa con, tên là Cát Nhi.”
— “Nếu các người không chấp nhận nàng, thì cũng đừng mơ gặp được cháu nội của mình!”

 

Ta ngẩn ngơ đứng đó, chỉ cảm thấy như bị ai đó ép nhét vào miệng mười cân hoàng liên —
đắng chát đến tận ruột gan.