9

 

Đoạn video đó là do Vương Oánh Oánh nhờ tôi quay lại.

 

Cô ấy nói:

 

“Nếu thất bại, em cũng có thể nói là chính đáng phòng vệ.”

 

Tôi hỏi:

 

“Lại để bọn chúng đánh thêm một lần nữa à?”

 

Vương Oánh Oánh không đáp.

 

Tôi hỏi tiếp:

 

“Đau lắm không?”

 

“Rất đau.” — Cô ấy im lặng khoảng hai, ba giây rồi nói tiếp —

 

“Nhưng không sao… là lần cuối cùng rồi.”

 

Bữa nhậu cuối cùng trước khi Vu Hiểu Lâm chết là do tôi mời.

 

Hôm đó cô ta uống đến lưng lưng, bước đi loạng choạng nói muốn đi vệ sinh.

 

Tôi cũng giả vờ khoác vai cô ta, đi theo sau.

 

Khi đang rửa tay ở bồn nước, tôi làm như vô tình mà nói:

 

“Đám anh em ngoài phố của tôi biết chuyện giữa cô và Vương Oánh Oánh rồi đấy.”

 

Vu Hiểu Lâm lập tức lo lắng hỏi:

 

“Bọn họ nói gì không?”

 

Có lẽ vì men rượu, cảm xúc của cô ta hiện rõ mồn một trên mặt.

 

Tôi nhìn thấy sự để tâm đầy phù phiếm trong mắt cô ta.

 

Tôi vẩy khô nước trên tay, buông lời như không:

 

“Bọn họ nói cô non quá, đã không đủ gan theo nghiệp này thì đừng ra oai làm trò cười.

 

Đánh người mà còn không dám đánh cho đến nơi đến chốn, đúng là vô dụng.”

 

Tôi thấy sắc mặt Vu Hiểu Lâm chuyển từ đỏ sang trắng, rồi tái mét.

 

Tôi ghé sát tai cô ta, thì thầm:

 

“Con nhỏ Vương Oánh Oánh đó, tôi đã lừa cho nó lên phòng học cuối dãy tầng 3 rồi.

 

Cỡ mười phút nữa là nó đến nơi.

 

Còn cô muốn ‘ra tay’ thế nào — thì phải xem bản lĩnh của cô rồi.”

 

Vu Hiểu Lâm không nói gì, nhưng vẻ hung hăng đã hiện rõ trên mặt.

 

Quay lại bàn rượu, Vu Hiểu Lâm trở nên vô cùng bồn chồn, liên tục nhìn đồng hồ.

 

Khoảng mười phút sau, cô ta bỗng nhiên đứng bật dậy.

 

Vì còn hơi say, nên lảo đảo vài bước mới đứng vững.

 

Cô ta nói lớn:

 

“Tôi phải đi dạy dỗ con nhỏ Vương Oánh Oánh một trận!”

 

Mấy đứa đàn em còn đang cao hứng, không muốn rời đi nên cố gắng can ngăn vài câu.

 

Nhưng Vu Hiểu Lâm bị tôi kích cho một trận, lúc này đã bướng bỉnh đến cùng cực.

 

Cô ta nhất quyết phải lập tức đi “ra oai” với Vương Oánh Oánh.

 

Đám đàn em không cản nổi, đành lảo đảo định đi theo.

 

Đúng lúc đó, tôi lạnh nhạt buông một câu:

 

“Mấy đứa chó con tụi mày coi thường ai vậy? Chẳng lẽ thấy Vu Hiểu Lâm mà còn không xử lý nổi con nhỏ đó à?”

 

Nghe vậy, Vu Hiểu Lâm bực dọc thấy rõ, quát lớn bảo bọn họ đừng theo nữa.

 

Và thế là — cô ta một mình vịn tường đi ra ngoài.

 

Đám đàn em cũng chẳng mấy để tâm đến tình huống nhỏ này.

 

Bọn họ lại ngồi xuống, nâng chai rượu lên tiếp tục uống như chưa từng có chuyện gì xảy ra.

 

Tôi dõi theo bóng lưng Vu Hiểu Lâm rời đi, khóe môi từ từ cong lên.

 

Nơi Vu Hiểu Lâm chết — là tôi chọn cho cô ta.

 

Dãy đinh thép rỉ sét đó — từng chiếc từng chiếc một, đều do tôi tự tay đóng vào.

 

Ban đầu, đúng ra là tôi sẽ là người đè đầu cô ta xuống, ghì thẳng vào hàng đinh đó.

 

Thế nhưng đêm đó, trong bệnh viện,

 

Vương Oánh Oánh nhìn tôi bằng ánh mắt vô cùng điềm tĩnh, nghiêm túc.

 

Giọng cô ấy thản nhiên cất lên:

 

“Chị à… em vẫn chưa đủ tuổi thành niên.”

 

Phiên ngoại

 

Chương của Vương Oánh Oánh

 

1

 

Tôi tên là Vương Oánh Oánh.

 

Năm tôi mười bảy tuổi, tôi đã tự tay giết chết một người.

 

Cô ta tên là Vu Hiểu Lâm.

 

Cô ta là lớp phó học tập của lớp tôi.

 

Và cũng là kẻ cầm đầu đám người đã bắt nạt tôi.

 

Thật ra, tôi vẫn luôn không chắc tại sao cô ta lại dẫn đầu việc bắt nạt tôi.

 

Có lẽ là vì trong cuộc thi viết văn lần đó tôi đạt giải còn cô ta thì không.

 

Cũng có thể vì lớp trưởng — một nam sinh — từng nói chuyện với tôi nhiều hơn vài câu vào giờ ra chơi.

 

Cũng có thể chỉ vì nhà tôi nghèo, đồ ăn, quần áo, đồ dùng chẳng bằng họ.

 

Hoặc đơn giản là vì tôi thường đi học một mình, ít nói, trông vừa chậm chạp vừa cô lập, lại hiền lành dễ bắt nạt.

 

Nhưng lý do gì… bây giờ cũng chẳng còn quan trọng nữa.

 

Dù sao thì — cô ta đã chết.

 

Và tôi — cũng đã chuyển trường.

 

Nói thật, việc tôi có thể chuyển trường cuối cùng hoàn toàn là nhờ cái chết của Vu Hiểu Lâm.

 

Sau khi cô ta chết, nhà trường cảm thấy nếu để tôi tiếp tục ở lại sẽ mang đến ảnh hưởng tiêu cực quá lớn cho danh tiếng “trường học trăm năm” của họ.

 

Thế là giáo viên chủ nhiệm lại đến nhà tôi một lần nữa.

 

Lần này bà ta cực kỳ kiên nhẫn.

 

Bà ta nói chuyện với ba tôi rất lâu, rất lâu.

 

Tôi thấy sắc mặt ba mình từ u ám như sấm dần dần dịu lại.

 

Cuối cùng, tôi thấy ông ấy cười — nhận lấy một khoản tiền rất lớn.

 

Rồi tôi được chuyển trường.

 

Ban đầu, tôi nghĩ mọi thứ từ đây sẽ quay lại đúng quỹ đạo.

 

Tôi có thể tiếp tục là Vương Oánh Oánh — con bé mờ nhạt, không ai để ý.

 

Nhưng sự thật… lại không như tôi tưởng.

 

2

 

Kể từ đó, trong mọi lần giao tiếp với người khác, tôi đều có thể nhạy bén nhận ra mùi vị của sự giả dối.

 

Dù là cô giáo mới luôn nở nụ cười dịu dàng với tôi,

 

hay là bạn học mới cố gắng làm thân —

 

mỗi lần họ tiến lại gần, tim tôi đều co thắt lại.

 

Tôi sợ…

 

Sợ rằng họ sẽ giống Vu Hiểu Lâm và đám người đó,

 

lại giơ chân giơ tay đánh đập tôi.

 

Tôi cũng sợ họ sẽ giống như ba tôi và cô giáo chủ nhiệm —

 

khi chuyện xảy ra rồi, chỉ biết lạnh lùng đứng nhìn tôi như không quen biết.

 

Tôi cảm thấy…

 

ngoài chị tôi ra, trên đời này không còn ai có thể tin được nữa.

 

Mà chị ấy thật ra không phải chị ruột của tôi.

 

Chị là con riêng mà mẹ kế dẫn theo khi tái giá với ba tôi.

 

Tôi thích chị ấy ngay từ đầu.

 

Vì chị ấy… rất giống mẹ ruột của tôi.

 

Không phải là giống về ngoại hình.

 

Mà là về số phận.

 

Cả hai đều từng bị ba tôi đánh đập tàn nhẫn.

 

Trước kia là mẹ tôi bị đánh,

 

bây giờ là chị ấy.

 

Mẹ tôi giờ đã qua đời.

 

Không phải bị đánh chết —

 

mà là một “tai nạn”.

 

Nói chính xác hơn… ít nhất, trong mắt ba tôi,

 

đó là một tai nạn.

 

Hôm đó, mẹ tôi đang ngồi xổm lau sàn nhà,

 

thì cái tủ bên cạnh đột nhiên đổ ập xuống.

 

Bà bị đè chặt mấy tiếng liền,

 

đến khi được phát hiện, đưa vào viện cấp cứu thì đã muộn.

 

Lúc đó tôi vẫn đang học ở trường,

 

những gì tôi biết đều do ba tôi kể lại.

 

Thế nhưng… tôi vẫn còn nhớ mang máng,

 

hình như lúc ở bệnh viện, tôi từng nghe thấy các bác sĩ thì thầm với nhau:

 

“Xương sườn, xương chân, cả đầu gối đều nát vụn như thế kia — sao mà là do tủ đè được chứ?”

 

“Vả lại mấy vết bầm trên mặt đó… nhìn kiểu gì cũng không giống bị tủ đè, giống như là bị đánh thì đúng hơn…”

 

Tất nhiên… cũng có thể là tôi nhớ nhầm.

 

3

 

Chị tôi dường như luôn sống dưới nắm đấm của ba tôi.

 

Dù tôi có cố bảo vệ thế nào cũng không thể bảo vệ nổi.

 

Tôi thật sự rất sợ —

 

sợ rằng có một ngày chị ấy sẽ ngã xuống, mặt không còn chút máu,

 

rồi từ đó không bao giờ tỉnh lại nữa.

 

Kể từ khi chuyển trường, tôi bắt đầu sống nội trú.

 

Có lúc cả tháng tôi mới về nhà một lần.

 

Hôm đó vừa về tới, tôi liền thấy ba tôi đang giơ chai bia định đập vào người chị.

 

Tôi vội vàng lao đến chắn trước mặt chị ấy.

 

Ba tôi lúc đó vẫn chưa say hoàn toàn.

 

Nhìn thấy là tôi, ông ta chửi bới vài câu rồi vác chai bia bỏ đi.

 

Chị tôi nằm trên đất, nửa bên mặt sưng tím đến kinh khủng, trông vô cùng đáng sợ.

 

Chị không có biểu cảm gì cả, cứ như người bị đánh không phải là chị vậy.

 

Mẹ ruột của chị — cũng dường như đã quen với cảnh này.

 

Bà không còn khóc nữa.

 

Chỉ đứng đó chờ trận đòn kết thúc,

 

rồi lặng lẽ lấy chổi quét sạch mớ hỗn độn dưới đất.

 

Tôi khẽ khàng cúi người ôm lấy chị.

 

Cơ thể chị cứng đờ đến đáng sợ.

 

Nếu không phải vẫn còn hơi ấm phả ra,

 

tôi thậm chí đã tưởng chị đã chết rồi.

 

Khi tôi ôm lấy chị, trong đầu tôi bỗng nhiên hiện lên một cách dữ dội cảnh tượng khi tôi ấn đầu Vu Hiểu Lâm vào đống đinh thép.

 

Khung cảnh đó cứ lặp đi lặp lại trong tâm trí tôi như một đoạn phim tua không dứt.

 

Cho đến cuối cùng — trong đoạn hồi tưởng đó, gương mặt của Vu Hiểu Lâm dần dần biến thành… gương mặt của ba tôi.

 

Ông ta ngã vật xuống giữa vũng máu đỏ thẫm.

 

Tôi gần như không kiểm soát nổi mà bật cười —

 

nhưng ngay giây sau đó, khi nhận ra mình vừa nghĩ gì, tôi liền toát mồ hôi lạnh toàn thân.

 

Tôi cố ép bản thân không được nghĩ linh tinh nữa.

 

Nhưng suốt mấy ngày sau, tôi vẫn không kiềm chế được mà hồi tưởng lại cảnh tượng đó.

 

Tôi nghĩ —

 

nếu cảnh tượng đó trở thành sự thật…

 

có phải chị tôi sẽ không còn bị đánh đập nữa không?

 

Thế nhưng…

 

“Nhưng dù sao đi nữa, ông ấy vẫn là ba tôi.”

 

4

 

Chẳng mấy chốc, kỳ nghỉ đến.

 

Một đêm nọ, tôi rời phòng ra uống nước, liền thấy ba tôi say mềm nằm ngủ trên sàn phòng khách.

 

Ông ta còn ngáy khò khò, trông như đang ngủ rất sâu.

 

Không hiểu ma xui quỷ khiến thế nào, tôi chợt liếc nhìn cái tủ đặt sát tường — nơi chứa mấy đồ linh tinh.

 

Đó chính là cái tủ… năm xưa đã đè chết mẹ tôi.

 

Tôi đưa tay ra thử đẩy nhẹ một cái, tủ liền lập tức lắc lư.

 

Bất chợt, tôi dường như đã hiểu ra điều gì đó.

 

Trong đêm tối tĩnh mịch, vang lên vài tiếng “rầm” nặng nề của vật thể lớn đổ xuống đất.

 

Đợi đến khi mọi thứ lại chìm vào tĩnh lặng, tôi mặt không biểu cảm, cầm cốc nước đầy bước vào phòng mình.

 

Giống như mọi hôm, tôi đeo tai nghe, nghe một bài luyện nghe tiếng Anh rồi mới leo lên giường ngủ.

 

Trước khi ngủ, tôi lấy từ ngăn kéo ra một lọ thuốc.

 

Nhìn viên thuốc tròn nằm trong lòng bàn tay, tôi trầm ngâm một lúc, rồi rút thêm một viên nữa.

 

Tôi ngửa đầu, nuốt trọn hai viên thuốc cùng một ngụm nước.

 

Đêm đó, tôi ngủ một giấc ngon chưa từng có.

 

Sáng hôm sau tỉnh dậy, tôi được biết ba tôi đã được đưa đến bệnh viện.

 

Sau khi rửa mặt xong, tôi đến bệnh viện, vừa hay trông thấy mấy bác sĩ đang cúi đầu xin lỗi mẹ kế tôi:

 

“Chúng tôi… đã cố gắng hết sức rồi.”

 

Tôi thấy bà ta ngồi sụp xuống đất, ôm mặt khóc rống.

 

Còn tôi thì nghe thấy một bác sĩ đi ngang qua khẽ lẩm bẩm:

 

“Lạ thật… sao trong dạ dày người đó lại có thành phần thuốc ngủ?”

 

Tôi xoay người lại, dõi theo bóng lưng bác sĩ ấy mỗi lúc một xa —

 

rồi khẽ nhếch môi, nở một nụ cười chậm rãi.

 

Thì ra, cái tủ gỗ trong nhà tôi — thứ đã bị mối mọt gặm nhấm suốt bao nhiêu năm — thực sự rất nặng.

 

Thì ra… năm đó ba tôi thật sự không nói dối.

 

Mẹ tôi — đúng là đã bị đè chết.

 

Phiên ngoại

 

 

 

Chương của Hứa Nhu