6

 

Tối ngày thứ bảy sau cái chết của Vu Hiểu Lâm, cửa sổ phòng tôi vang lên ba tiếng gõ đều đều.

 

Tôi mở mắt, nhanh nhẹn chui ra khỏi chăn và mở cửa sổ.

 

Bên ngoài là Vương Oánh Oánh.

 

Nó đứng đó, sắc mặt trắng bệch, nhìn tôi chằm chằm.

 

Tôi im lặng vẫy tay.

 

Nó rón rén trèo vào.

 

“Người ta nói… người chết sẽ… sẽ về trong đêm thất đầu…”

 

Tôi nghe thấy Vương Oánh Oánh lẩm bẩm như vậy.

 

Giọng nó run rẩy.

 

Tôi khẽ cười lạnh:

 

“Sợ cái gì?”

 

Toàn bộ nỗi sợ trong mắt Vương Oánh Oánh như tràn ra ngoài:

 

“Chị… chị ơi, cô ta… cô ta là do em…”

 

Sắc mặt tôi lạnh hẳn đi, hai tay nắm lấy vai nó, gằn giọng:

 

“Là cô ta tự ngã vào mà chết. Oánh Oánh, em phải nhớ kỹ điều đó.”

 

Tôi ép nó ngẩng đầu lên nhìn tôi.

 

Từng chữ từng chữ, tôi nói dứt khoát:

 

“Vu Hiểu Lâm, là tự cô ta không cẩn thận ngã vào mà chết. Em hiểu chưa?”

 

Vương Oánh Oánh như bị sự chắc chắn của tôi ảnh hưởng, gật đầu máy móc như bị thôi miên:

 

“Đúng… đúng rồi, Vu Hiểu Lâm… là cô ta tự không cẩn thận mà chết…”

 

Tôi buông vai nó ra, rút một điếu thuốc trong hộp, châm lên và rít một hơi, bình thản nói:

 

“Không sao rồi, về ngủ đi.”

 

Nghe vậy, Vương Oánh Oánh lại như rơi vào vòng xoáy sợ hãi, nó siết chặt tay tôi, lắp bắp:

 

“Chị… chị ơi, tối nay… em có thể ngủ cùng chị được không?”

 

Nó nắm rất chặt, như thể đang nắm lấy cọng rơm cứu mạng cuối cùng.

 

Tôi vốn không thích ngủ cùng người khác.

 

Nhưng nhìn nó như vậy, cuối cùng tôi vẫn gật đầu.

 

Nó thở phào, từ từ trèo lên giường tôi nằm xuống.

 

Tôi đắp chăn cho nó:

 

“Ngủ đi, mọi chuyện đã được giải quyết rồi.”

 

Đêm càng lúc càng khuya, Vương Oánh Oánh dần dần thiếp đi.

 

Tôi ngồi nhìn khuôn mặt bình yên khi ngủ của nó, ánh mắt trở nên u tối.

 

Nó đáng lẽ nên sống vô tư trong thế giới này.

 

Nó không nên sống trong một nỗi sợ hãi mang tên Vu Hiểu Lâm.

 

Đúng vậy.

 

Vu Hiểu Lâm… thật ra không phải chết do tai nạn.

 

Để dựng lên màn kịch giả đó, tôi đã lên kế hoạch suốt một tháng trời.

 

Việc tôi có thể giãy giụa sống đến bây giờ —

 

Tất cả là nhờ có Vương Oánh Oánh.

 

Cô ấy là một cô gái hiền lành và đáng yêu đến mức tận cùng.

 

Một người như vậy… không nên bị bắt nạt thê thảm như thế.

 

Ngay từ lần đầu tiên tôi phát hiện ra cô ấy bị bạo lực học đường,

 

tôi đã bắt đầu nghĩ làm sao để những kẻ đó… biến mất khỏi thế giới này.

 

Tôi đã nghĩ như vậy —

 

và tôi cũng đã thật sự làm như vậy.

 

7

 

Thực ra Vương Oánh Oánh đã bị bắt nạt từ rất sớm rồi.

 

Ít nhất cũng phải ba, bốn tháng trước.

 

Vậy mà tôi mãi đến một tháng trước mới biết chuyện này.

 

Kể từ sau khi bị buộc thôi học, tôi cứ lang thang khắp nơi để tìm việc.

 

Nhưng với một kẻ rác rưởi trình độ mới tốt nghiệp cấp hai như tôi, có xưởng nào nhận thì cũng chỉ để tha hồ chà đạp, bóc lột.

 

Chỉ trong vài tháng ngắn ngủi, tôi đã đổi việc đến mấy lần.

 

Tuy nhiên, dù thỉnh thoảng rơi vào cảnh cháy túi, có hôm cả ngày chỉ mua được một gói mì ăn liền cầm hơi,

 

thì vẫn còn tốt chán — ít ra tôi không phải quay về cái nơi được gọi là “nhà”, không phải mỗi ngày vô cớ ăn một trận đòn như cơm bữa.

 

Vậy tôi đã phát hiện Vương Oánh Oánh bị bắt nạt như thế nào?

 

Hôm đó tôi vừa cãi nhau một trận tơi bời với một ông chủ định bòn rút tiền công của tôi.

 

Khi đang đi ngang qua một con hẻm khuất,

 

tôi tình cờ nhìn thấy Vương Oánh Oánh nằm gục dưới đất, bên cạnh là một nhóm người vừa đánh xong đang ung dung rời đi.

 

Tôi chạy đến, cởi áo khoác choàng lên người nó.

 

Cô bé thường cột tóc đuôi ngựa, hay để dành phần đồ ăn vặt cho tôi ngày xưa…

 

lúc ấy lại trông chẳng khác gì một cụ già đang hấp hối — không còn chút sinh khí.

 

Toàn thân nó bầm dập, máu me be bét.

 

Cái ánh mắt trống rỗng, vô hồn của nó khi ấy…

 

Tôi sợ rằng cả đời này cũng không thể nào quên được.

 

Hôm đó, ánh hoàng hôn nhuộm đỏ cả bầu trời, toàn thân nó chìm trong sắc cam ấm áp ấy.

 

Nó rơi nước mắt, hỏi tôi:

 

“Em đã làm sai điều gì?”

 

Tôi không trả lời câu hỏi đó.

 

Tôi chỉ xoa đầu nó, trịnh trọng như thề thốt:

 

“Yên tâm, chị sẽ khiến bọn chúng phải trả giá.”

 

Tôi muốn kẻ đầu sỏ đó — phải chết.

 

Nhưng khi tôi nói ra ý nghĩ đó với vẻ mặt hoàn toàn bình thản, Vương Oánh Oánh lại run rẩy.

 

Nó siết chặt lấy cánh tay tôi, hoảng hốt:

 

“Chị… hay là chúng ta báo cảnh sát đi.”

 

Từ câu nói đó, tôi đã ngửi thấy mùi của tuyệt vọng.

 

Tôi điềm tĩnh rít một hơi thuốc, nói ra một sự thật:

 

“Ba em… biết rồi.”

 

Hai tay Vương Oánh Oánh buông thõng xuống, trong mắt nó ánh lên một tia cảm xúc phức tạp:

 

“Vâng…”

 

“Ông ta nói gì?”

 

Vương Oánh Oánh khàn giọng đáp:

 

“Ông ấy có tìm gặp giáo viên… nhưng không có ích gì.

 

Mọi người đều biết chuyện, nhưng chỉ khiến bọn họ đánh em nặng tay hơn.

 

Về sau ba em… có vẻ như chán nản rồi, tuy không nói ra, nhưng em biết ông ấy không muốn dính vào nữa.”

 

Tôi bật cười khinh miệt:

 

“Không phải là không muốn quản, mà là quản không nổi.”

 

Vương Oánh Oánh sững người.

 

Tôi nhìn nó, giọng điềm tĩnh:

 

“Cách tốt nhất bây giờ là giết kẻ cầm đầu.

 

Chỉ cần cô ta chết rồi, em sẽ không còn gì phải lo sợ nữa.”

 

Thế nhưng Vương Oánh Oánh vẫn rất sợ hãi, nó lại nắm lấy tay tôi, lần này giọng nói đã gần như bật khóc:

 

“Chị… hay là chúng ta báo cảnh sát đi…”

 

Tôi im lặng một lúc rồi mới đáp:

 

“Được.”

 

Và nó đi báo cảnh sát.

 

Thế nhưng, chưa đến nửa ngày sau, bọn họ đã bình an vô sự rời khỏi đồn.

 

Tối hôm đó, Vương Oánh Oánh lại bị đánh đến mức phải đưa vào phòng cấp cứu.

 

Đêm hôm đó, sau khi Vương Oánh Oánh được cứu sống, chính tôi là người túc trực bên giường bệnh của nó.

 

Khi ấy đã gần 5 giờ sáng, bầu trời ngoài cửa sổ bắt đầu lấp ló ánh sáng đầu tiên.

 

Tôi hỏi nó:

 

“Làm theo cách của chị, được không?”

 

Nó im lặng rất lâu, chỉ lặng lẽ nhìn chằm chằm vào ống truyền dịch, không biết đang suy nghĩ điều gì.

 

Tôi cũng không giục.

 

Mãi cho đến khi tôi gần ngủ gật trên sofa, Vương Oánh Oánh mới mở miệng.

 

Giọng nó vẫn còn yếu ớt, thều thào.

 

Nó nói:

 

“Được… nhưng sẽ làm theo cách của em.”

 

Tôi lờ mờ ngẩng đầu nhìn nó, trong cơn ngái ngủ.

 

Chỉ thấy đôi mắt nó lúc ấy lạnh như băng tuyết.

 

Nó nói tiếp:

 

“Chị à, em muốn chị phải sống thật tốt.

 

Lần này… để em tự lo.”

 

8

 

Hôm đó, vở kịch do tôi và Vương Oánh Oánh tự đạo diễn trước cửa hàng tiện lợi đã thành công lọt đến tai Vu Hiểu Lâm.

 

Cô ta rất vui lòng giúp tôi “dạy dỗ” Vương Oánh Oánh một trận.

 

Mọi người trong trường đều cho rằng quan hệ giữa tôi và Vương Oánh Oánh rất tồi tệ.

 

Dù sao thì, cả cái thị trấn này ai cũng biết cha ruột của Vương Oánh Oánh đánh tôi ác đến mức nào.

 

Thậm chí có lần, ông ta uống say rồi cầm thẳng chai bia đập vào mặt tôi.

 

Lúc đó, một mảnh kính găm thẳng vào mắt trái của tôi.

 

Từ đó, tôi mù mắt bên trái.

 

Chuyện này khi ấy đã làm xôn xao cả khu phố, gần như trở thành chủ đề bàn tán mỗi buổi cơm của hàng xóm suốt một thời gian dài.

 

Mọi người đương nhiên cho rằng tôi chắc chắn phải hận lây cả Vương Oánh Oánh.

 

Nhưng thật ra — tôi không hề hận cô ấy.

 

Tôi cũng chẳng phải thánh thần gì.

 

Tôi không tin vào chuyện “việc nào ra việc đó”.

 

Chưa từng là tôi “không muốn” trút giận lên đầu cô ấy —

 

mà là tôi không thể.

 

Nếu nói rằng trong cuộc đời xám xịt của tôi từng có chút gì đó gọi là may mắn,

 

thì Vương Oánh Oánh chính là điều duy nhất đó.

 

Cô ấy luôn đối xử với tôi rất tốt.

 

Ban đầu tôi bài xích cô ấy, thậm chí nhiều lần ra tay làm cô ấy bị thương.

 

Thế nhưng cô ấy vẫn không đổi, vẫn luôn đối tốt với tôi như cũ.

 

Là kiểu tốt không mong báo đáp.

 

Cô ấy thường giấu đồ ăn vặt đợi tôi về rồi dúi cho tôi.

 

Thường xuyên lén lấy tiền sinh hoạt của mình đưa cho tôi xài.

 

Còn hay đứng chắn trước mặt tôi khóc lóc mỗi khi người đàn ông kia định đánh tôi.

 

Ngay cả con mắt giả bên trái hiện tại của tôi —

 

cũng là do cô ấy quỳ xuống van xin cha mình mới có được.

 

Trong khi mẹ tôi chọn cách im lặng đứng nhìn,

 

thì cô ấy đã khóc lóc, bị ăn vài cái tát, chỉ để tôi có được con mắt ấy —

 

giúp tôi không phải lớn lên như một “quái vật” giữa lứa tuổi dậy thì.

 

Tôi là kiểu trẻ con chẳng ai yêu thương,

 

sinh ra đã trở thành đối tượng bị dư luận săm soi.

 

Họ từng bước một tìm cách cô lập tôi, chửi rủa tôi, rồi tìm cớ đánh tôi.

 

Và vào khoảnh khắc tôi nhận cái bạt tai đầu tiên,

 

tôi đã lập tức phản kháng — không một chút do dự.

 

Không chỉ đánh trả, tôi còn cầm cả ghế học sinh đập thẳng vào đầu kẻ đó, đập đến mức phải nhập viện.

 

Từ đó về sau, không còn ai dám bắt nạt tôi nữa.

 

Thậm chí những lời mỉa mai, chửi bới cũng bốc hơi sạch sẽ chỉ sau một đêm.

 

Bọn họ vốn tưởng rằng tôi không có ai chống lưng,

 

nên sẽ để mặc cho chúng muốn làm gì thì làm.

 

Nhưng chúng không ngờ rằng — tôi không sợ chết.

 

Trong mắt tôi, chết thì chết, có gì to tát đâu.

 

Nhưng bọn chúng thì khác.

 

Chúng là loại người lấy việc bắt nạt người khác làm niềm vui sống.

 

Chúng còn tiếc mạng hơn ai hết.

 

Và thế là, sau khi nếm được vị ngọt của việc phản kháng,

 

tôi nhanh chóng tập hợp một đám “anh em” theo phe mình,

 

rồi đi đánh một trận ra trò tất cả những đứa từng buông lời xúc phạm tôi.

 

Tôi từng nghĩ —

 

chỉ cần tôi tỏ ra lạnh nhạt với Vương Oánh Oánh đủ mức trước mặt người ngoài,

 

thì những kẻ tôi từng đánh, từng dằn mặt trong trường sẽ không trút giận lên đầu cô ấy.

 

Nhưng bây giờ nhìn lại —

 

phòng được hổ, chẳng phòng nổi chó sói.

 

Khi đó tôi nhìn gương mặt đắc ý của Vu Hiểu Lâm,

 

bỗng bật cười.

 

Sao lại không thấy buồn cười chứ?

 

Dù gì thì…

 

một người xinh đẹp như thế, cũng sắp không còn trên đời nữa rồi.